• ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN VẪN CHO LỢI NHUẬN QUÁ CAO?

    anh_tin_tuc1
    Giá bất động sản tại Hà Nội tăng chóng mặt, ngay tại Tp. Hồ Chí Minh, giao dịch không sôi động nhưng đất nền vẫn lặng lẽ tăng giá. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều người tiếc nuối khi đã bỏ qua cơ hội mua, bán trong mấy tháng vừa qua vì khoản lợi nhuận khổng lồ.

    Buôn gì cho lại
    Với đà tăng đến chóng mặt, bất động sản đang đem lại nguồn lợi khó tưởng tượng cho giới đầu cơ và các chủ đầu tư nhậy bén. Chỉ trong vòng vài ba tháng, các chung cư loại trung bình ở nhiều khu vực như Hà Đông, Trung Văn – Cầu Giấy…(Hà Nội) đã được rao bán trên thị trường với mức giá chênh với giá gốc từ 40 – 60% (so với giá gốc khoảng 12 – 13 triệu đồng/m2). Với loại căn hộ chung cư có mức giá từ khoảng trên 1.000 USD/m2 (gần đây nhiều chung cư cao cấp đều được yết giá bằng USD), tỷ lệ chênh ở mức thấp hơn.

    Còn với đất nền thì mức giá do giới đầu cơ đẩy lên quả thật ngoài sức tưởng tượng. Sang tay một mảnh đất ở Nam An Khánh, chưa đầy tuần sau người bán đã phải tiếc nuối vì mất đi vài trăm triệu đồng. Hàng loạt dự án tại Hà Nội hiện nay đều có mức giá cao hơn nhiều so với hồi đầu tháng trước. Dự án chung cư cao cấp Đông Nam Trần Duy Hưng do Vinaconex làm chủ đầu có giá gốc là 24 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay bị đẩy lên với giá 32 – 38 triệu đồng/m2 (tùy theo vị trí), nhưng cũng không phải ai cũng mua được. Hoặc ngay như mức giá được giới đầu tư rao bán cho các căn hộ tại tòa nhà 34 T (Trung Hòa – Nhân Chính) hồi cuối tháng 10 là 30-32 triệu đồng/m2, nhưng nay cũng đều có giá trên 35 triệu đồng/m2.

    Không chỉ giá nhà chung cư và đất nền dự án tại các khu vực như An Khánh, Văn Khê, Mỗ Lao, Hà Đông… đều được chủ đầu tư hoặc các trung tâm môi giới đẩy lên từ 10 -20% so với hồi đầu tháng. Hiện phần lớn người dân có nhà, đất bán hoặc đang rất cần bán cũng bắt đầu điều chỉnh mức giá đã niêm yết tại các sàn hoặc rao bán trên đài, báo.

    GS.TSKH Đặng Hùng Võ bình luận: Với mức lợi nhuận “không buôn gì cho lại”, bất động sản đang trở thành một kênh kiếm tiền hấp dẫn. Và chính thế nó đang hút một lượng tiền không nhỏ đổ vào.

    Sẽ có mặt bằng giá mới?
    Nhìn nhận về cơn sốt giá trên, nhiều người cho rằng, sốt nhà đất là do ảnh hưởng của đợt “sốt” vàng vừa qua. Phần đa trong số đó cho rằng, vàng, USD đều trên đà tăng giá, tất yếu sớm muộn cũng sẽ đẩy giá nhà đất tăng theo. Do đó, một mặt bằng giá mới trên thị trường bất động sản trong thời gian không xa là hoàn toàn có thể xảy ra.

    Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cơn “sốt nóng” hiện nay phần lớn được bắt nguồn từ tâm lý tích trữ vẫn nặng nề trong dân. Và một khi bất động sản vẫn được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn, có tính thanh khoản cao, nhất là khi lượng cung vẫn còn ít thì không ai dại gì để đồng vốn của mình nằm yên trong ngân hàng. Mặt khác, một số nhà đầu tư sau khi “thắng” chứng khoán, đã chuyển tiền sang mua BĐS, đặc biệt là săn tìm mua nhà ở các dự án mới ở Hà Nội…

    Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện giá BĐS đang bị đẩy cao hơn giá trị thực, bởi một phần là do lượng cung vẫn ít hơn so với cầu. Trong lượng cầu bên cạnh “cầu thật” lại có khá nhiều “cầu ảo” (nghĩa là mua nhà để đầu cơ, chứ không phải mua nhà để ở).

    Trả lời báo chí, ông Trần Minh Quý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị – UDIC, chủ đầu tư nhiều dự án nhà ở lớn trên địa bàn Hà Nội, việc thị trường BĐS sôi động trở lại trong những tháng gần đây là dấu hiệu tốt đối với các nhà đầu tư. Qua quan sát có thể thấy dấu hiệu sôi động diễn ra ở vài khu vực có dự án, do lượng hàng đưa ra ít, trong khi nhu cầu mua khá lớn. Sang năm 2010, ông Quý cho rằng sẽ có nhiều dự án “xả hàng” nên ít khả năng biến động lớn về giá và người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn.

    Nhận định về thị trường BĐS Hà Nội quý IV-2009, Công ty Savill Việt Nam cho rằng sẽ không có biến động lớn. Về giá, nhà hạng trung giá có vẻ tăng cao, trong khi nhà cao cấp tăng ít là do loại nhà này vốn đã có mặt bằng giá cao ngay từ khi đưa ra thị trường sơ cấp (trực tiếp từ chủ đầu tư).